Lợi nhuận từ thực phẩm chức năng giả có thể còn cao hơn buôn ma túy |
![]() |
![]() |
Chủ nhật, 01 Tháng 2 2015 18:48 |
Mỗi hộp thực phẩm chức năng giả đặt hàng sản xuất tại Trung Quốc chỉ có giá vài chục ngàn đồng nhưng khi tới tay người tiêu dùng đã lên tới hàng trăm ngàn đồng, thậm chí tiền triệu, lợi nhuận có thể còn cao hơn buôn ma túy. Trong khi đó, công tác quản lý mặt hàng này hết sức lỏng lẻo. Cuối cùng, chính người tiêu dùng “lãnh đủ” giữa “ma trận” thực phẩm chức năng thật giả lẫn lộn... LÃI HƠN BUÔN MA TÚY Phòng CSĐTTP về Trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, CATP Hà Nội vừa bắt khẩn cấp Hoàng Thị Hồng Liên (SN 1982), Nguyễn Tuấn Linh (SN 1984, đều ngụ Nghệ An) và Nguyễn Công Việt (SN 1986, ngụ Bắc Ninh) trong vụ sản xuất, buôn bán 10 tấn thực phẩm chức năng giả, được đánh giá là lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn Hà Nội. Trước đó, 11 giờ ngày 24-1-2015, tại phố Trần Khát Chân (Q.Hai Bà Trưng), tổ công tác Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp Phòng Cảnh sát môi trường, CATP Hà Nội kiểm tra ôtô BS: 29A-768.38 do Nguyễn Tuấn Linh điều khiển, phát hiện sáu thùng carton thực phẩm chức năng gồm sữa ong chúa nhãn hiệu Royal Jelly Costar, Collagen do nước ngoài sản xuất cùng hàng trăm đề can tiếng Việt ghi thành phần, công dụng, liều dùng... Toàn bộ số hàng trên xe không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Tại thời điểm kiểm tra, đại diện Công ty TNHH dịch vụ Hạnh Phúc, đơn vị nhập khẩu độc quyền và phân phối sản phẩm sữa ong chúa nhãn hiệu Royal Jelly Costar 1450mg, khẳng định 170 hộp sữa ong chúa nhãn hiệu Royal Jelly Costar 1450mg do Linh vận chuyển là hàng giả. Mở rộng điều tra, công an đồng loạt khám xét khẩn cấp sáu kho chứa hàng của Hoàng Thị Hồng Liên ở Trung tâm giao thương quốc tế và chợ Lim (Bắc Ninh), thu giữ khoảng 10 tấn thực phẩm chức năng giả các loại gồm sữa ong chúa Royal Jelly Costar 1450mg, nhau thai cừu Placentra Essence, Glucosamin, Collagen + A, E, C cùng máy móc, nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng giả. Trong số hàng công an thu giữ có tới gần 10.000 hộp thực phẩm chức năng giả thành phẩm được đóng gói giống hàng thật để chuẩn bị đưa đi tiêu thụ.
Liên là chị gái của Hoàng Nghĩa Dũng (SN 1985), đối tượng vừa bị Tòa án nhân dân TP.Hà Nội xử ba năm tù về tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Dũng cũng mua nguyên liệu, nhãn mác từ Trung Quốc rồi tự sản xuất thực phẩm chức năng giả các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới, bán ra thị trường Hà Nội và các tỉnh. Chính bởi siêu lợi nhuận từ việc kinh doanh thực phẩm chức năng giả nên dù em trai đang ngồi tù, Liên vẫn tiếp tục nghề này. Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, đầu năm 2014 Liên thuê một loạt ki-ốt ở Tiên Du (Bắc Ninh) làm kho chứa nguyên liệu, rồi thuê Nguyễn Công Việt đóng gói, sản xuất hàng giả; còn Nguyễn Tuấn Linh trực tiếp giao dịch với khách hàng và vận chuyển. Bất cứ loại thực phẩm chức năng nào có sức tiêu thụ mạnh trên thị trường đều bị các đối tượng làm giả, sau đó đưa đi tiêu thụ ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, thậm chí ngay cả “chợ thuốc” Hapulico. VÀNG THAU LẪN LỘN Khi đời sống người dân ngày một nâng cao, kéo theo nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm chức năng để tăng cường sức khỏe, làm đẹp, việc quảng bá công dụng của các sản phẩm bị một số doanh nghiệp đẩy lên quá đà khiến người tiêu dùng lầm tưởng đây là một loại “thần dược”. Trước thị trường đầy tiềm năng này, các đối tượng cũng lập tức sản xuất hàng giả, hàng nhái... trà trộn kiếm lời. Thủ đoạn của chúng là thu mua các loại viên nén rời, giá rẻ từ Trung Quốc về đóng gói, giả nhãn mác các thương hiệu thực phẩm chức năng nổi tiếng, đặt làm giả cả tem chống hàng giả, tem nhãn phụ, tem phân phối độc quyền rồi dán dày đặc trên các sản phẩm. Để người mua không nghi ngờ, thực phẩm chức năng giả được bán với giá thấp hơn không đáng kể so với hàng thật dưới hình thức quảng cáo “hàng xách tay”.
Siêu lợi nhuận từ kinh doanh thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng là nguyên nhân khiến ngày càng có nhiều đối tượng, đường dây tham gia buôn bán. Tháng 8-2013, cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng giả của Hoàng Nghĩa Dũng bị triệt phá thì tháng 10-2013, Công an Hà Nội tiếp tục phát hiện hai kho hàng lớn của Đỗ Thị Tuyết Mai. Kinh khủng hơn, Mai còn chuyên tuồn viên nở ngực Đào Hồng Đơn giả vào “chợ thuốc” Hapulico. Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, để tránh mua phải thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng, người tiêu dùng nên mua tại các cơ sở, đại lý chính hãng. Khi mua cần yêu cầu người bán xuất hóa đơn bán hàng (theo quy định, khi bán hàng hóa có tổng giá trị thanh toán trên 200.000 đồng phải xuất hóa đơn GTGT). Hóa đơn bán hàng chính là cơ sở pháp lý bảo vệ người tiêu dùng nếu mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Để tránh tiền mất tật mang, mỗi người phải tự trang bị kiến thức để trở thành người tiêu dùng thông minh. Ngày 28-1-2015, đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã khen thưởng các đơn vị tham gia phá đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả trên địa bàn TP.Hà Nội. Đây là chiến công xuất sắc của cán bộ, chiến sĩ Công an TP.Hà Nội trong cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Bộ trưởng Trần Đại Quang quyết định thưởng cho Phòng Cảnh sát kinh tế và Cảnh sát môi trường, Công an TP.Hà Nội, mỗi đơn vị 10 triệu đồng trích từ Quỹ Phòng, chống tội phạm Trung ương; đồng thời yêu cầu Công an TP.Hà Nội khẩn trương điều tra mở rộng và sớm đưa vụ án ra xử lý trước pháp luật nhằm răn đe, phòng ngừa chung; phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng để cảnh báo, nâng cao ý thức cảnh giác cho nhân dân. Theo Báo Công an Thành Phố Hồ Chí Minh. |