Một số nhiếp ảnh gia Việt Nam đầu thế kỉ 20 bị quên lãng |
![]() |
![]() |
Thứ ba, 09 Tháng 1 2018 21:36 |
Nhiều bức ảnh giai đoạn đầu thế kỉ 20 dù được lưu hành rộng rãi nhưng người ta lại ít chú ý đến tên người bấm máy, hoặc theo một thói quen là định sẵn tác giả những bức ảnh đó là nhiếp ảnh người Pháp. Nhiếp ảnh Việt Nam cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20, được biết đến nhiều nhất ngoài Đặng Huy Trứ (1825-1874) - ông tổ ngành thì còn những tên tuổi lớn khác như Khánh Ký (tức Nguyễn Đình Khánh (1884-1946) và Võ An Ninh (1907-2009). Năm 2012, bài viết “Nhiếp ảnh ở Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20” của Nguyễn Đức Hiệp đã tóm lược toàn bộ quá trình hình thành và điểm tên những nhiếp ảnh người Pháp cũng như nhiếp ảnh gia người Việt hoạt động nhiếp ảnh tại Việt Nam trong cả quãng thời gian Pháp đô hộ Việt Nam. Tuy vậy, bài viết không điểm danh những nhiếp ảnh gia khác ít thành tựu hơn, và trên thực tế hiện nay vẫn còn một số nhà nhiếp ảnh thời kỳ đó khá xa lạ với công chúng Việt Nam. Nhiều bức ảnh giai đoạn đầu thế kỉ 20 do những nhà nhiếp ảnh này chụp dù được lưu hành rộng rãi nhưng người ta lại ít chú ý đến tên người bấm máy, hoặc theo một thói quen là định sẵn tác giả những bức ảnh đó là nhiếp ảnh người Pháp. Trong mục Photographes d'Asie (1840-1944) {Nhiếp ảnh gia châu Á 1840-1944} của trang http://photographesenoutremerasie.blogspot.com cho nhiều thông tin về những nhiếp ảnh gia người Việt Nam còn ít được nhắc đến đó.
1. Nhiếp ảnh gia Vu Van Tuan (Vũ Văn Tuân/Tuấn?) Nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp sống ở Tuy Hòa. Ông đã chụp các bức ảnh về các đập và kênh thủy lợi, về văn minh lúa nước, nhất là trong các vùng Karom và Phamang, và trong vùng Đồng Nai, cho toàn quyền Đông Dương để chuẩn bị cho triển lãm thuộc địa năm 1931. Các bức ảnh của ông đã được xuất bản thành bưu thiếp.
2. Nhiếp ảnh gia Huu Tao (Hữu Tảo/Tạo?): Nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Ông đã chụp các bức ảnh về tỉnh Bình Định cho toàn quyền Đông Dương, có lẽ là để chuẩn bị cho triển lãm thuộc địa năm 1931.
3. Nhiếp ảnh gia Tran Ngoc Loan (Trần Ngọc Loan?): Nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp sống ở Đà Lạt. Vào năm 1930, ông đã thực hiện một phóng sự 35 ảnh về Langbian mà toàn quyền Varennes dự kiến cho triển lãm thuộc địa năm 1931. Sau đó, toàn quyền Varennes ra lệnh tập hợp những bức ảnh đó lại thành album. Ngoài ảnh phong cảnh, Trần Ngọc Loan cũng chụp các lễ hội chính thức. Cũng trong năm này, hiệu trưởng trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt đề nghị ông thực hiện một phóng sự về ngôi trường này: ông thực hiện các bức ảnh về học sinh và giáo viên kích cỡ 18x14. (Trên thực tế, Cuốn sách đã được xuất bản năm 1930 dưới tựa đề “Le Petit Lycée de Dalat” - Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt có nhiều bức ảnh về hoạt động giảng dạy của thầy và trò trường này. Tuy sách không ghi tên tác g ỉa ảnh nhưng chúng ta có thể suy nghĩ nhiều khả năng những bức ảnh trong đó là của Trần Ngọc Loan). Nhiều bức ảnh của ông được xuất bản vào năm 1929-1930 trong cuốn Thế giới thuộc địa bằng hình.
4. Nhiếp ảnh gia Vien Lai (Viên Lai?): Nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Ông đã chụp các bức ảnh về các hoạt động nông nghiệp ở vùng Bến Tre, và về các tòa nhà công, nhất là những tòa nhà liên quan đến bảo trợ xã hội và y tế. Thanh Thủy - Nguyễn Học (báo Đại đoàn kết). |