Cái Tết xa xứ nơi tôi sinh sống In
Thứ tư, 16 Tháng 1 2013 13:57

 

Năm mới sắp tới, lại một cái Tết xa nhà. Đối với người Việt trẻ xa quê hương như tôi, mỗi dịp Năm mới Tết đến cũng là lúc nhớ lại cái thời tuổi thơ ấu, khi ngồi trông nồi bánh chưng, cùng ông bà sắp mâm ngũ quả, cúng tổ tiên vào thời khắc Giao thừa. Và cũng giống như mọi đứa trẻ khác, tôi luôn háo hức nhận lì xì. Khi sang đây đoàn tụ cùng gia đình, tôi từng tưởng tượng đến cái viễn cảnh không có Tết, không có bánh chưng, không có lì xì, không có cành đào. Nhưng đến bây giờ, tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được sống tại nơi đây, cùng bà con cộng đồng người Việt sinh sống tại Kharkov, Ucraina, chuẩn bị một cái Tết xa xứ… Sau đây, xin phép cho tôi giới thiệu đôi chút về Tết của cộng đồng ta tại Ucraina!

Chuẩn bị mua đồ

Thường thì trước Tết gần chục ngày, mọi người bắt đầu tấp nập đi mua sắm, có những mặt hàng chẳng hạn như bia, rượu, bánh kẹo, ta có thể tìm thấy tại các cửa hàng siêu thị, thì bánh mứt, lá rong, hoặc bánh chưng làm sẵn… nói chung những mặt hàng chuyên phục vụ Tết chỉ có thể mua tại một nơi - khu thực phẩm hàng khô tại Trung tâm thương mại Barabashova. Giá cả mọi thứ tại đây cũng “nhẹ nhàng” như mọi ngày chứ không “thăng thiên” như cảnh thường thấy ở Việt Nam trong những ngày giáp Tết. Với gần 20 quầy, và một khu kho, tại đây hàng ngày có tới cả nghìn khách đến mua. Khách cần gì cũng được đáp ứng, từ gạo, đậu, miến, bánh phở, nước mắm, xì dầu đến măng, nấm đủ kiểu. Hàng tươi sống thì ngoài thịt gà, lợn, bò còn có đậu phụ, giá và cơ man là rau quả. Không chỉ khách Việt Nam mà cả khách các nước châu Á như Trung Quốc, Triều Tiên, Lào, Campuchia cũng lai vãng thường xuyên. Ở đây còn bày la liệt các loại hương vàng, tiền âm phủ, bát hương, nậm rượu, đồ thờ cúng - những thứ không thể thiếu được của người Việt vào ngày sóc vọng, nhất là khi Tết đến. Ngay cả cau trầu cũng được đưa sang, đáp ứng nhu cầu cưới hỏi và cúng giỗ của cộng đồng Việt tại Ucraina. Tất cả những điều đó tạo nên hình ảnh một xã hội Việt Nam thu nhỏ. Ấn tượng nhất là các phản thịt chiếm đến một nửa số các quầy hàng tại đây. So với các cửa hàng thực phẩm của Ucraina, thì hàng khô Việt Nam chiếm nhiều ưu thế. Trong khi thịt bán tại các siêu thị phần lớn đều ướp lạnh, thì thịt lợn, gà “made in Việt Nam” luôn tươi rói. Các chủ trại lợn người Việt ở ngoại ô mổ lợn từ hai, ba giờ sáng. Sau khi pha tiết canh, luộc lòng và xẻ thịt xong, ô tô chở tới nội thành và đêm ra bán tại cửa hàng từ 6 giờ sáng. Thịt nóng còn bốc hơi hôi hổi. Các lò mổ thường kiêm luôn công đoạn gói giò chả.


(Ảnh minh họa)

Đón Giao thừa và chúc Tết

Như mọi năm, cộng đồng người Việt ở Ucraina, tập trung tại những thành phố như Kharkov, Kiev, Odessa, Kherson, Donetsk…. đều tranh thủ ba ngày Tết, nghỉ công việc để dành thời gian đi chúc Tết người thân, bạn bè. Tại Kharkov, hàng năm, vào thời điểm Giao thừa Tết Âm lịch, Chư tăng Phật tử và bà con cộng đồng tại chùa Trúc Lâm Kharkov đều tổ chức đón Năm mới theo truyền thống dân tộc và nghi lễ tôn giáo, làm lễ dâng hương bạch Phật, tụng kinh cầu quốc thái dân an và đón mừng Năm mới. Tại buổi lễ luôn có sự tham gia của các vị lãnh đạo Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov và các tổ chức, đoàn thể trong cộng đồng. Nhiều người địa phương biết tin về Tết cổ truyền của người Việt Nam, cũng đến viếng chùa và thăm quan tìm hiểu tại đây.

Tại Kherson, một thành phố miền Nam Ucraina, cộng đồng người Việt ở đây chỉ khoảng 70 người, nhưng sống tập trung tại một khu vực, nên mỗi khi Tết đến Xuân về không cảm thấy quá cô đơn lạc lõng. Mọi người cũng dọn dẹp, thu xếp công việc để có thể nghỉ ngày mùng một. Chị Hồng Giang hiện đang sinh sống tại Kherson cho biết: “Tụi mình hầu như đều đã qua tuổi thanh niên từ lâu, nên không còn cảm thấy rạo rực xốn xang khi năm cũ sắp qua, Năm mới đang đến nữa. Nhưng nỗi nhớ quê hương thì vẫn luôn ở trong lòng mỗi người và đặc biệt trỗi dậy khi Tết đến”. Chị cũng nói vui rằng tại đây không có cành đào Tết, nên mọi người tận dụng những cành cây khô, sau đó cắt những cánh hoa đào từ giấy màu gắn vào cành, thành đào Tết đẹp không thua kém cây thật.

Tết của những người Việt trẻ xa quê hương

Tại Kharkov nói riêng, và Ucraina nói chung, có sự hiện diện rất lớn của sinh viên, nghiên cứu sinh du học, cũng như thanh thiếu niên kiều bào thế hệ thứ hai. Trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc, nhiều khi các bạn vẫn phải đi học như bao ngày thường khác. Đối với sinh viên du học, thì lúc tan giờ học cũng là thời gian họ đi mua sắm để có được một cái Tết đầy đủ nhất có thể nơi xứ người. Tết đến, tất cả mọi người trong kí túc xá cùng quây quần rán nem, gói bánh chưng, nấu thịt đông hay làm hũ dưa bắp cải muối. Hương vị những món ăn cổ truyền bay khắp không gian kí túc xá. Tết đến Xuân về, bàn thờ cúng gia tiên là phần không thể thiếu trong mỗi gia đình. Trong kí túc xá chật hẹp, anh em sinh viên bố trí một góc nhỏ để làm bàn thờ tổ tiên cho tất cả sinh viên Việt Nam trong  kí túc xá. Mai, đào tại miền tuyết trắng này hoàn toàn là không thể có được. Với cành táo dại, vài mảnh vải màu hồng, màu vàng và những bàn tay sáng tạo, những cành mai, cành đào rực rỡ y như thật được tạo ra, góp phần làm nên không khí Tết. Mâm ngũ quả không sắm được “cầu sung dừa đủ xài” nhưng vẫn thiêng liêng bởi tấm lòng chân thành đối với Tổ quốc.

Còn đối với các bạn thanh thiếu niên sinh ra và lớn lên tại đây, là thế hệ thứ hai của cộng đồng, nhưng các bạn trong dịp lễ Tết được bố mẹ kể về truyền thống xa xưa của dân tộc, hòa cùng vào không khí đón Tết vô cùng háo hức. Bạn Tâm, hiện là học sinh lớp 11 sinh sống tại Kharkov cho biết: “Em cảm thấy rất vui, khi trong lớp, chỉ có một mình em có hai Năm mới, còn các bạn chỉ có một”.

Thay cho lời kết

Ai ai cũng sẽ nhớ đến không khí gia đình đầm ấm, những món ăn ngày Tết, sự đông đúc nhộn nhịp của những điểm bắn pháo hoa vào đêm Giao thừa, các tục lệ ngày Tết, cũng như cành hoa đào, cây quất tranh trí nhà. Dù ở nơi đâu thì Tết cũng là dịp để gia đình, bạn bè, người thân sum vầy. Đối với những du học sinh, sinh viên, đó là ngày rất nhiều bạn sẽ cố gắng gọi điện hoặc skype về nhà để có thể phần nào thưởng thức một chút không khí gia đình. Còn đối với thế hệ thứ hai, thứ ba của cộng đồng tại đây, ngày Tết còn có một ý nghĩa lớn hơn - đó là dịp để mọi người hướng về Tổ Quốc, quê hương. Tết không chỉ là một ngày lễ đón Năm mới bình thường, mà là sự tôn trọng sâu sắc đối với truyền thống, cội nguồn dân tộc. Nhân dịp Năm mới Tết đến, xin được gửi tới bạn đọc báo lời chúc sức khỏe và hạnh phúc. Mong rằng Năm mới sẽ mang thật nhiều niềm vui và may mắn đến cho tất cả mọi người!

Hoàng Kim Quân. Báo “Tuần tin Quê hương” số 352.